Hiểu đúng về căn hộ condotel để tránh rủi ro

Căn hộ condotel hay còn gọi là căn hộ khách sạn đang là sản phẩm hấp dẫn trên thị trường bất động sản. Với kỳ vọng vừa có thể ở, vừa cho thuê với giá cao nên không ít người tìm mua. Tuy nhiên, khung pháp lý chưa rõ ràng khiến loại căn hộ này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Condotel là gì?

Có nhiều cách diễn giải về condotel, tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản condotel là bất động sản kết hợp giữa nhà ở và lưu trú du lịch. Loại hình này chỉ mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu và phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây.

Condotel nở rộ tại các vùng trọng điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Sầm Sơn, Vũng Tàu… Trong đó, tại Đà Nẵng, nguồn cung condotel tăng mạnh nhất, vượt cả tỷ lệ khách sạn, resort ở đây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, địa phương này có tổng nguồn cung condotel lên đến hơn 6.700 căn. Theo dự báo, hai năm tới số condotel sẽ lên 9.000 căn.

Phối cảnh thiết kế của Vinpearl Condotel Đà Nẵng (Ảnh Minh Họa)

Khung pháp lý chưa rõ

Hiện nay khung pháp lý chi phối bất động sản nói chung phải phù hợp với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Riêng condotel theo giới thiệu của các chủ đầu tư là loại hình vừa để ở vừa kết hợp lưu trú du lịch nên thu hút nhiều người mua.

Tuy nhiên, về góc độ pháp lý hiện luật chưa nêu cụ thể định nghĩa condotel là gì, do chưa quy định rõ ràng khiến việc kinh doanh mua bán trong thực tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do ở “lửng lơ” giữa chức năng ở và lưu trú thương mại nên nhiều người mua dễ nhầm lẫn condotel là nhà ở dân cư hay căn hộ chung cư.

Giới hạn thời gian sở hữu

Về thời hạn sở hữu, condotel có nhiều loại hình sở hữu, có nơi căn hộ được cấp sử dụng lâu dài song cũng có dự án được cấp phép cho sở hữu chỉ 50 năm.

Trường hợp một số dự án được sử dụng lâu dài như đất ở bởi đất thực hiện dự án chủ đầu tư được giao có tính chất là đất ở. Ngược lại, một số dự án quyền sử dụng đất chỉ được 50 năm vì chủ đầu tư được giao đất để làm dự án thương mại. Do đó, nếu cấp quyền sở hữu cho người mua nhà tại dự án đó chỉ được 50 năm.

Khó được cấp hộ khẩu

Mua condotel có được cấp hộ khẩu hay không cũng là băn khoăn của nhiều người. Theo nhiều chuyên gia và luật sư, điều này không dễ. Bởi, nếu bản chất trong phê duyệt dự án là bất động sản nghỉ dưỡng, chấp thuận chủ trương đầu tư hầu như không có việc cho phép hình thành đơn vị ở, tức không hình thành đất dân cư thì khó để xin cấp hộ khẩu lưu trú, thường trú trên đất. Điều này có thể khó khăn khi cho con đi học, xin việc làm,… nên người mua nên cân nhắc.

Nhiều rủi ro

Ngoài vấn đề bị hạn chế về quyền và thời gian sở hữu, condotel cũng có nhiều rủi ro khác mà không phải ai cũng nắm kỹ.

Hầu hết bất động sản nghỉ dưỡng trong đó có condotel ngoài việc bán hàng, chủ đầu tư sẽ quản lý, cho thuê lại bất động sản đó rồi chia sẻ lợi nhuận với khách hàng sở hữu căn hộ tại dự án.

Mỗi chủ đầu tư có thể đặt ra những điều kiện, điều khoản khác nhau. Có thể là cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận ổn định cho dù căn hộ đó cho thuê được hay ế ẩm. Hoặc, có một số chủ đầu tư lại đưa ra tỷ lệ lợi nhuận chỉ được duy trì trong một thời gian nhất định chứ không phải mãi mãi. Thậm chí, chủ đầu tư sẽ chỉ chia lợi nhuận cho thuê lại căn hộ cho người mua nhà khi dự án kinh doanh có lãi mà thôi.

Đó là chưa kể thông thường, các chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng thuê một đơn vị quản lý tòa nhà và đảm nhận việc cho thuê lại trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi hết thời gian đó thì việc ai sẽ là đơn vị đứng ra quản lý tiếp tòa nhà, hỗ trợ người mua nhà tìm khách thuê là điều cần tính đến. Nếu không có khách thuê và không khai khác kinh doanh để thu về lợi nhuận như mong muốn ban đầu là cả một vấn đề. Đây là điều mà chủ ở hữu căn hộ condotel cần cân nhắc cho việc đầu tư của mình.

Người mua phải tỉnh táo

Do có những rủi ro nói trên nên khi tham gia đầu tư vào dự án condotel cần xem xét kĩ về mặt tính chất pháp lý của dự án để đánh giá về mặt quyền lợi sở hữu của mình như thế nào.

Khi ký hợp đồng giao cho chủ đầu tư quản lý bất động sản của mình cũng cần nghiên cứu kỹ các điều khoản, điều kiện cũng như quyền lợi của mình trong đó.

Cần đánh giá về mặt thị trường khu vực xây dựng dự án cũng như khả năng sinh lời của dự án. Cũng có những tình huống xấu nhất là nếu chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý không còn tham gia quản lý dự án nữa thì người mua condotel sẽ xử lý như thế nào đối với số tiền đầu tư không nhỏ đã bỏ ra.

(Theo CafeLand)